Taule-Ardaranyesse

Taule-Ardaranyesse

Hệ thống ngữ âm Quenya

LỜI NÓI ĐẦU

Ngôn ngữ Quenya được J.R.R. Tolkien phát triển trên nền của tiếng Latin, Phần Lan, nhưng dưới sự ảnh hưởng lớn về âm của tiếng Latin, hệ thống âm vị tiếng Quenya khá cơ bản, ít biến âm (vowel harmony, consonant gradation). Trừ một vài ngoại lệ, nhìn chung đa phần âm vị Quenya tương đối giống tiếng Việt.

Gọi là tương đối vì tuy đã loại bỏ hết những âm vị không có trong tiếng Việt, nhóm còn lại cũng có một ít khác biệt. Dù những khác biệt này, theo thiển ý của tôi, là không quan trọng lắm, cũng sẽ được chỉ rõ để bạn nào muốn hoàn thiện cách phát âm thật chính xác có thể nắm được.

Một vấn đề khác cần lưu ý, trong bài viết này, tôi sử dụng các ký hiệu ngữ âm theo IPA (hệ thống phiên âm quốc tế) để các bạn dễ dàng truy nguyên âm vị, hoặc tham khảo các ví dụ trên mạng được tốt hơn. Các bạn có thể sử dụng hai nguồn tài nguyên sau để nghe các âm mẫu theo chuẩn IPA:

[Wikipedia: International Phonetic Alphabets]    [Eric Amstrong: IPA Charts]


MỤC LỤC

Lời nói đầu
Mục lục
Bảng biểu
1. Nguyên âm
1.1. Âm đơn
1.2. Âm đôi
2. Phụ âm
2.1. Âm bật vô thanh
2.2. Âm mũi
2.3. Âm xát
2.4. Âm rung - biên cận
2.5. Âm ổ răng - cận
2.6. Âm vô thanh hoá
2.7. Âm vòm miệng - vòm hoá
2.8. Âm bật mũi hoá
3. Trọng âm
Tham khảo


BẢNG BIỂU

Bảng nguyên âm đơn
Bảng nguyên âm đôi
Bảng phụ âm


1. NGUYÊN ÂM

1.1. ÂM ĐƠN

BẢNG NGUYÊN ÂM ĐƠN

TrướcSau
Đóngi(:)u(:)
Nửa đónge:o:
Nửa mởɛɔ
Mởa(:)

Ngôn ngữ Quenya có số lượng nguyên âm đơn ít và khá đơn giản: các nguyên âm chỉ thuộc nhóm trước (front) và sau (back), theo biểu đồ hình thang của IPA. Các nguyên âm này lại tương tự như tiếng Việt, nên phần này sẽ không gây khó khăn gì cho mọi người.

* Cần lưu ý, các dấu hai chấm ghi phía trên nguyên âm (như ä, ë,...) chỉ để nhắc nhở rằng các chữ này phải được đọc riêng biệt, không ghép chung (chuyển 2 nguyên âm đứng kề nhau thành âm kép) hay bị loại bỏ (như chữ ‘e’ cuối cùng trong các từ tiếng Anh).

Có hai loại nguyên âm trong Quenya: âm dài và âm ngắn. A, E, I, O, U là các nguyên âm ngắn và Á, É, Í, Ó, Ú là các nguyên âm dài. Về cơ bản, âm dài chỉ đọc kéo dài hơn âm ngắn khoảng gấp rưỡi đến hai lần. Nhưng thực tế lại chia thành hai nhóm có phương thức khác nhau, cụ thể như sau:
Nhóm 1:

  • A, ký hiệu IPA là [a], đọc như ‘a’ trong tiếng Việt, hoặc như ‘a’ trong ‘father’ của tiếng Anh. Lưu ý, không phải âm [æ] như trong ‘cat’ của tiếng Anh.
  • I, [i], giống với ‘i’ trong tiếng Việt, hoặc như ‘ea’ trong ‘leave’ của tiếng Anh. Không phải âm [ɪ] như trong ‘ship’ của tiếng Anh.
  • U, [u], như ‘u’ trong tiếng Việt, hoặc như ‘u’ trong ‘brute’ của tiếng Anh. Không phải âm [ʊ] như trong ‘hook, pool’ của tiếng Anh.
  • Các nguyên âm dài tương ứng Á [a:], Í [i:], Ú [u:] phát âm giống các nguyên âm ngắn nhưng kéo dài hơn.

Nhóm 2:

  • E, ký hiệu IPA là [ɛ], đọc giống với ‘e’ trong tiếng Việt, hoặc như ‘e’ trong ‘where’ của tiếng Anh.
  • O, [ɔ], như ‘o’ trong tiếng Việt, hoặc như ‘o’ trong ‘song’ của tiếng Anh.
  • É, nguyên âm dài của E có ký hiệu là [e:], phát âm như ‘ê’ trong tiếng Việt, hoặc ‘é’ trong tiếng Pháp.
  • Ó, nguyên âm dài của O, ký hiệu [o:], phát âm giống với ‘ô’ trong tiếng Việt, hoặc như ‘eau’ trong tiếng Pháp.

* Nếu nguyên âm ngắn nhóm 2 đứng ở cuối từ thì sẽ có âm sắc như nguyên âm dài, nhưng trường độ vẫn ngắn như bình thường. Tuy nhiên đây chỉ là phỏng đoán dựa trên các bản đọc Quenya trên mạng, nên tôi chỉ nêu ra để các bạn tham khảo thêm.




Ví dụ:

ELENTÁRI, [ɛ.lɛn.ta:.ri] = e-len-taa-ri
NÉSË, [ne:.se] = nêê-xê
COROLÓRA, [kɔ.rɔ.lo.ra] = co-ro-lôô-ra
NÚMEN, [nu:.mɛn] = nuu-men
SÚLIMO, [su:.li.mo] = xuu-li-mô
CIRISSË, [ki.ɹis.se] = ki-rix-xê*
* Chữ ‘x’ ở phiên âm tiếng Việt đọc như trong ‘xa xăm’, không phải ‘x’ trong ‘maximum’ của tiếng Anh. Bởi trong tiếng Việt, chữ ‘x’ là âm [s] nhẹ, còn chữ ‘s’ là âm [ʂ] nặng, theo IPA.
* Âm [ɹ] là R yếu, sẽ bàn chi tiết trong phần phụ âm.



1.2. ÂM ĐÔI

BẢNG NGUYÊN ÂM ĐÔI

Nguyên âmBán nguyên âm
TrướcSau
iju
eew
aajaw
ɔɔj
uuj

Có tất cả 6 nguyên âm đôi trong ngôn ngữ Quenya, gồm AI, OI, UI, AU, EU, IU. Năm âm đầu đều dịch chuyển từ nguyên âm mạnh trước, rồi lướt sang bán nguyên âm sau. Duy chỉ có âm IU là ngược lại, chuyển từ bán nguyên âm [j] sang âm chính [u].

  • AI, [aj], phát âm như ‘ai’ trong tiếng Việt, hoặc ‘eye’ của tiếng Anh.
  • OI, [ɔj], như ‘oi’ trong tiếng Việt, hoặc ‘oy’ trong ‘toy’ của tiếng Anh.
  • UI, [uj], như ‘ui’.
  • AU, [aw], như ‘ao’. Theo chỉ dẫn của Tolkien trong APPENDIX E thì đây là âm ‘ao’ như tiếng Việt. Nhưng theo phiên âm IPA được sử dụng thì lại mang âm ‘au’. Hai âm này thực ra khác nhau ở độ dài của âm ‘a’, nên các bạn có thể đọc theo kiểu lai giữa ‘ao’ và ‘au’ tuỳ vào sự hợp tai của âm tiết. Tuy vậy, vẫn nên cân nhắc theo chỉ dẫn của Tolkien vì xét cho cùng ông là một nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp.
  • EU, [ew], như ‘êu’.
  • IU, [ju], như ‘iu’ trong tiếng Việt, hay ‘ew’ trong ‘mew’ của tiếng Anh.

Ví dụ:

AINU, [aj.nu] = ai-nu
COIMAS, [kɔj.mas] = coi-max
CUIVIË, [kuj.vi.e] = cui-vi-ê
AULË, [aw.le] = ao-lê
LEUCA, [lew.ka] = lêu-ca
SIULË, [sju.le] = xiu-lê



2. PHỤ ÂM

BẢNG PHỤ ÂM

LOẠI ÂMRăngMôiVòm họngMôi hoá vòm họng
Bật vô thanhT [t]P [p]C [k]QU [kʷ]
Mũi hoá bật vô thanhNT [nt]MP [mp]NC [ŋk]NQU [ŋkʷ]
Mũi hoá bật hữu thanhND [nd]MB [mb]NG [ŋg]NGW [ŋgʷ]
Xát vô thanhTH [θ] > [s]"F [f]H [x]HW [xʷ]
Xát hữu thanhV [v]
MũiN [n]M [m]Ñ* [ŋ] > N" [n]ÑW* [ŋʷ] > NW" [nʷ]
Các nhóm khác
Ổ răng - CậnR [ɹ]Y [j]W [w] > [v]"
Rung - Biên cậnR [r]L [l]
Xát ổ răng, thanh hầuS [s]Z* [z] > SSH [h]
Vòm miệngTY [c]NY [ɲ]LY [ʎ]HY [ç]
Vòm miệng hoáRY [rʲ]
Vô thanh hoáHR [ro] > [r]"HL [lo] > [l]"

* Các âm cổ hiện không còn sử dụng.
" Các biến âm tương ứng được dùng phổ biến.

Khác với nguyên âm, phụ âm có lẽ sẽ gây khó khăn cho nhiều bạn. Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng không chỉ người Việt có thể cảm thấy xa lạ với nhiều phụ âm Quenya, mà thậm chí người dân những vùng khác nhau ở Châu Âu cũng không quen với một số nhóm phụ âm nhất định. Trước hết tôi sẽ dẫn giải về các phụ âm cơ bản có trong cả tiếng Quenya và tiếng Việt, rồi tiến dần đến các nhóm lạ. Trong đó, những điểm xa lạ sẽ được giải thích và đưa ví dụ để mọi người có thể hiểu được.

* Vì các phụ âm rất đơn nhất, không có phiên bản dài, ngắn như nguyên âm, nên tôi chỉ ghi ký hiệu IPA của phụ âm khi cần chỉ rõ để đối chiếu.


2.1. ÂM BẬT VÔ THANH

Nhóm âm cơ bản nhất là các âm bật vô thanh (voiceless plosive), gồm T, P, C [k], QU. Các âm này đọc giống trong tiếng Việt và tiếng Anh. Nhưng cần lưu ý ba điểm:

  • Thứ nhất, ký tự C phải đọc là [k] trong mọi trường hợp. Không chuyển thành âm [s] như trong chữ ‘century’ của tiếng Anh.
  • Thứ hai, phụ âm QU đọc giống trong chữ ‘qu-’ trong ‘qua’ của tiếng Việt, hay trong chữ ‘question’ của tiếng Anh. Vì là môi hoá của [k] nên phải luôn thể hiện được sự bật của âm [k], không được nhược hoá thành [w] như phương ngữ miền Nam (‘qua’ > ‘wa’).
  • Thứ ba, ký tự T phải đọc như trong tiếng Việt. Bởi trong tiếng Anh, T là một âm bật hơi.

Ví dụ:

TÚNA, [tu:.na] = tuu-na
PARMA, [par.ma] = par-ma
CELUMË, [kɛ.lu.me] = ke-lu-mê
CENTA, [kɛn.ta] = ken-ta
QUESSË, [kʷɛs.se] = quex-xê



2.2. ÂM MŨI

Các âm mũi là nhóm quen thuộc thứ hai đối với người Việt, bởi mọi âm trong nhóm này đều có trong tiếng Việt.

  • N giống với ‘n-’ trong ‘na, neo, nói’ của tiếng Việt, hoặc ‘nice, name’ của tiếng Anh.
  • M như âm ‘m-’ trong ‘mây, mạnh’ của tiếng Việt, hoặc ‘machine, max’ của tiếng Anh.
  • Ñ chỉ là một cách thể hiện khác của âm ‘ng-’ trong ‘nga, ngóng’ của tiếng Việt, hoặc ‘-ng’ trong ‘sing, thing’ của tiếng Anh. Tuy nhiên âm này đã chuyển thành N.
  • ÑW là dạng môi hoá của Ñ, đọc giống âm ‘ngo-, ngu-’ trong ‘ngoa, nguy’ của tiếng Việt. Âm này đã giản lược thành NW.

Ví dụ:

NAICA, [naj.ka] = nai-ca
MINA, [mi.na] = mi-na
ÑOLDO, [ŋol.do] = ngol-đô
ÑWALMË, [ŋʷal.me] = ngoal-mê



2.3. ÂM XÁT

Nhóm âm xát (fricative) gồm TH, F, V, H [x], HW, S, Z, H [h] và HY có cách đọc như sau:

  • TH đọc giống ‘th-’ trong ‘thing’ của tiếng Anh. Cũng có thể đọc như ‘th-’ trong ‘thế, thành’ của tiếng Việt [tʰ], thuộc loại âm (bật) hơi (aspirated), dù không thực sự đúng và tôi nghĩ là không nên. Tuy nhiên, phụ âm TH đã biến âm thành [s] trong ngôn ngữ nói, dù trên văn bản vẫn dùng ký tự Tengwar TH để viết (‘Ithil’ > ‘Isil’).
  • F đọc như ‘ph-’ trong ‘pha, phong’ của tiếng Việt, hay như ‘f-’ trong ‘five’ của tiếng Anh.
  • V tương tự như trong tiếng Việt và tiếng Anh.
  • H, ký hiệu IPA là [x], đọc như âm ‘kh-’ trong ‘không, khó’ của tiếng Việt.
  • HW là môi hoá của H [x], đọc giống ‘kho-, khu-’ trong ‘khoa, khuynh’.
  • S là âm [s] nhẹ, đọc như ‘x-’ trong ‘xa, xinh, xong’ của tiếng Việt, hay ‘s-’ trong ‘sing, seven’ của tiếng Anh.
  • Z là một âm cổ, đọc như ‘z-’ trong ‘zoo, zero’ của tiếng Anh. Tuy nhiên âm này đã chuyển thành SS.
  • H [h] đọc như ‘h-’ trong ‘, hanh’ của tiếng Việt, hoặc trong ‘high, hair’ của tiếng Anh.
  • HY là một âm xát vòm miệng (palatal fricative) không có tương đương trong tiếng Việt. HY đọc giống ‘h-’ trong ‘huge’ của tiếng Anh bản xứ, hoặc như ‘-ch’ trong ‘Ich’ của tiếng Đức. Về cơ bản có thể xem đây là một sự vòm hoá âm [h]. Tham khảo ký tự IPA Ç trên Wikipedia hoặc Eric Amstrong: IPA Charts để nghe âm thanh chính xác. Một điểm khác cần biết, trong phương ngữ Vanyarin, âm HY đọc thành [ʃ] như SH trong tiếng Anh: ‘she, shall’.

* Lưu ý: Phụ âm H đơn chỉ phát âm là [h] khi đứng ở đầu chữ. Nếu đứng ở giữa từ thì H phát âm là [x]. Đối với phụ âm kép HT, nếu đứng trước HT là các nguyên âm ‘e’ hoặc ‘i’ thì H đọc thành [ç], nhưng sẽ đọc thành [x] đối với các nguyên âm khác.

Ví dụ:

THÚLË (SÚLË), [su:.le] = xuu-lê
ITHIL (ISIL), [i.sil] = i-xil
FÁNË, [fa:.ne] = phaa-nê
VALA, [va.la] = va-la
AHA, [a.xa] = a-kha
MAHTAN, [max.tan] = makh-tan
HWESTA, [xʷɛs.ta] = khoex-ta
TEHTA, [tɛç.ta] hoặc [tɛʃ.ta] = teç-ta hoặc tesh-ta
HYÓLA, [ço:.la] hoặc [ʃo:.la] = çôô-la hoặc shôô-la
HÍSIË, [hi:.si.e] = hii-xi-ê
SAMIN, [sa.min] = xa-min
ÁZË, [a:.ze] = aa-zê
LASSË, [las.se] = lax-xê



2.4. ÂM RUNG - BIÊN CẬN

Nhóm này, gồm R, L, tuy cơ bản là giống với tiếng Việt nhưng cần phải chú ý các điểm sau để phát âm chính xác hơn.

  • R [r] (còn gọi là R mạnh) là một âm rung ổ răng. Tức là lưỡi phải đặt trên phần chân răng của hàm trên, rồi đẩy hơi qua miệng sao cho lưỡi rung thật giòn. Đây thật sự là một âm khó đối với những ai không quen nên cần phải tập luyện nhiều để rung được âm này. Hầu hết âm R trong Quenya đều là R mạnh. Âm này phải đọc rõ bất kể vị trí nào trong từ.
  • L phải được phát âm rõ ràng theo cách của một âm biên cận (lateral) để tránh bị nhầm lẫn sang âm mũi N. Khi phát âm L thì lưỡi đặt sâu trong vòm miệng, càng xa khỏi chân răng càng tốt, và đặc biệt là mũi không có cảm giác rung. Âm này luôn phải đọc rõ dù ở vị trí nào của từ, tránh nhược hoá thành ‘L tối’ như trong từ ‘bell, fill’ của tiếng Anh.

Ví dụ:

RÓMEN, [ro:.mɛn] = rôô-men
ARDA, [ar.da] = ar-đa; không phải là aa-đa hay a-đa
VALAR, [va.lar] = va-lar; không phải va-laa hay va-la
ERDË, [ɛr.de] = er-đê; không phải ee-đê, e-đê hay ơ-đê như trong ‘er’ tiếng Anh
ORNA, [ɔr.na] = or-na; không phải là oo-na hay o-na
IRMO, [ir.mo] = iar-mô; âm ‘ia’ như trong từ ‘chia’ của tiếng Việt, cùng âm R đọc rõ
URSA, [ur.sa] = uar-xa; âm ‘ua’ như trong từ ‘chua’ của tiếng Việt, cùng âm R đọc rõ
ELDAMAR, [ɛl.da.mar] = el-đa-mar; không phải là eo-đa-ma(r) hay en-đa-ma(r)
ALDA, [al.da] = al-đa; không phải an-đa hay ao-đa
MILLO, [mil.lo] = mil-lô; không phải min-lô hay miu-lô
OLMA, [ɔl.ma] = ol-ma; không phải on-ma hay ôu-ma
TULCA, [tul.ka] = tul-ka; không phải tun-ka



2.5. ÂM Ổ RĂNG - CẬN

  • R [ɹ] là loại âm R nhẹ giống trong tiếng Việt, và không rung. Trong tiếng Quenya, âm này rất hiếm khi xảy ra, chỉ xuất hiện sau một số nguyên âm đơn và đôi (nhưng không kết với các âm này). Bởi cấu trúc miệng khi đọc các nguyên âm này gây cản trở việc phát âm R mạnh liền sau đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu đọc được R mạnh, thì phải ưu tiên hơn R nhẹ: luôn phát âm R mạnh khi có thể.
  • Y là một âm cận (approximant) hay còn gọi là bán nguyên âm, đọc giống chữ ‘d-’ trong ‘da, dinh’ của tiếng Việt.
  • W là cũng âm cận, phát âm như ‘w-’ trong ‘we, with’ của tiếng Anh. Trong phương ngữ miền Nam của tiếng Việt, chữ ‘qu-’ hay bị nhược hoá thành ‘w-’. Ở Kỷ Đệ Tam, [w] thường biến âm thành [v].

Ví dụ:

CÍRË, [ki:.ɹe] = kii-rê
YULDA, [jul.da] = dul-đa
WILYA, [wil.ʎar] = wil-ʎa



2.6. ÂM VÔ THANH HOÁ

Các âm hữu thanh R [r], L khi vô thanh hoá (aspirated) sẽ không gây rung nơi cổ họng (bạn có thể đặt tay vào cổ để kiểm tra).

  • Đối với HL, theo Tolkien mô tả, có nguồn gốc từ ‘sl-’ như trong ‘slim, slender’ của tiếng Anh. Có thể phát âm theo cách sau: đặt lưỡi tại vị trí âm L, rồi đẩy hơi của âm H qua miệng, cốt yếu làm sao để âm nghe giống H nhiều hơn, và không rung cổ họng. Tuy nhiên, ở Kỷ Đệ Tam, âm này đã chuyển thành L.
  • HR có nguồn gốc từ ‘sr-’. Nhưng theo tôi nghiên cứu thì âm này nên phát âm thành H rung: đặt lưỡi ở vị trí R mạnh, làm rung lưỡi đồng thởi đẩy hơi qua miệng tạo thành âm H. Trong Kỷ Đệ Tam, HR cũng chuyển thành R [r].

Ví dụ:

HLÁPA, [loa:.pa] = hlaa-pa
HRÍVË, [roi:.ve] = hrii-vê



2.7. ÂM VÒM MIỆNG - VÒM HOÁ

Nhóm này bao gồm các âm TY, NY, LY, HY, và RY. Một nửa trong nhóm này đã có sẵn trong tiếng Việt, nửa còn lại nhìn chung hơi lạ, nhưng không gọi là khó. Cụ thể như sau:

  • TY tương đương với âm ‘ch-’ trong ‘cha, chung’ của tiếng Việt. Nhưng có một điểm khác là cần phải phát âm nhẹ, vô thanh, và có một chút tiếng xát. Tham khảo tài nguyên âm thanh IPA để hiểu rõ hơn.
  • NY thì hoàn toàn tương đương với âm ‘nh-’ trong ‘nhà, nhanh’ của tiếng Việt.
  • LY phát âm theo âm L nhưng mang hơi hướm của Y [j]. Tốt nhất là tham khảo tài nguyên IPA để nghe chính xác.
  • HY, xem trong mục ÂM XÁT.
  • RY là một âm vòm hoá, tức là rất khó để đạt được hiệu ứng vòm như các âm trước. Đa số mọi người, kể cả Tolkien, đều đọc RY thành [ri] cho dù âm [i] hơi nhẹ hơn bình thường. Nhìn chung, nên giảm tối thiểu trường độ của [i] nhưng vẫn đủ để RY khác hoàn toàn với R.

* Lưu ý: các âm nhóm này khi theo sau một nguyên âm sẽ có xu hướng lặp lại phụ âm trước rồi mới tới âm vòm, như QUENYA = [kʷɛn.ɲa]

Ví dụ:

TYELPË, [cɛl.pe] = chel-pê
ATYA, [at.ca] = at-cha
NYANO, [ɲa.no] = nha-nô
QUENYA, [kʷɛn.ɲa] = quen-nha
ESSELYA, [ɛs.sɛl.ʎa] = ex-xel-ʎa
ARYANTË, [ar.rʲan.te] = ar-rj.an-tê



2.8. ÂM BẬT MŨI HOÁ

Nhóm cuối cùng trong phần phụ âm này không phải là nhóm phức tạp, nhưng khá xa lạ với người Việt. Tuy nhiên chỉ cần nắm nguyên tắc cơ bản thì có thể đọc trôi chảy nhóm này rất dễ dàng.
Trong Quenya, các âm bật hữu thanh D, B, G không bao giờ đứng riêng lẻ.

  • Các âm NT, ND, MP, MB đơn thuần chỉ là sự kết hợp của âm mũi N, M và các âm bật T, D, P, B. Các âm này không bao giờ đứng trước hay đứng cuối một từ, mà chắc chắn sẽ có ít nhất hai nguyên âm kẹp hai bên. Do vậy chỉ cần đọc nối nguyên âm trước với âm mũi, còn âm bật thì nối với nguyên âm sau.
  • Đối với các âm NC, NG, NQU, NGW thì nhớ rằng âm mũi kết hợp với các âm bật là âm [ŋ], giống với âm ‘ng-’ trong tiếng Việt. Do vậy thực chất các âm này có thể viết thành NG-C, NG-G, NG-QU, NG-GW.
  • Âm NGWNQU là các âm môi hoá, giống với các âm môi hoá đã bàn.

* Lưu ý: âm DB không đọc nặng như ‘đ-’ [ɗ] và ‘b-’ [ɓ] trong tiếng Việt. Bởi trong tiếng Việt đây là hai âm khép (implosive), còn trong Quenya là âm phổi (pulmonic), tức luồng hơi phải phụ thuộc vào phổi.

Ví dụ:

ANTO, [an.to] = an-tô
ANDO, [an.do] = an-đô
AMPA, [am.pa] = am-pa
UMBAR, [um.bar] = um-bar
ANCA, [aŋ.ka] = ang-ka
ANGA, [aŋ.ga] = ang-ga
UNQUË, [uŋ.kʷe] = ung-quê
UNGWË, [uŋ.gʷe] = ung-guê



3. TRỌNG ÂM

Đối với ngôn ngữ Quenya, trọng âm trong một từ phụ thuộc vào âm tiết dài (nếu có) trong từ đó. Một âm tiết dài là âm tiết chứa một trong ba yếu tố sau: một nguyên âm dài, một nguyên âm đôi, hoặc một nguyên âm ngắn với một cụm phụ âm liền sau.
Và quy tắc đặt trọng âm cho một từ là:

  • Đối với từ đơn âm tiết thì trọng âm đặt trên chính âm tiết đó.
  • Đối với từ hai âm tiết thì trọng âm đặt trên âm tiết đầu tiên.
  • Đối với từ có hơn hai âm tiết (từ 3 trở lên) thì trọng âm sẽ đặt trên âm tiết áp chót nếu đó là âm tiết dài, ngược lại, trọng âm sẽ đặt vào âm tiết thứ ba từ dưới lên.

Ví dụ:

Nếu âm tiết áp chót là loại ngắn:

VESTALË, ['vɛs.ta.le] = VEX-ta-lê
LAURËA, ['law.rɛ.a] = LAO-re-a
YAVANNIË, [ja.'van.ni.e] = da-VAN-ni-ê


Nếu âm tiết áp chót là loại dài:

ELENTÁRI, [ɛ.lɛn.'ta:.ri] = e-len-TAA-ri
HASTAINA, [has.taj.na] = hax-TAI-na
VALARAUCO, [va.la.'raw.ko] = va-la-RAO-cô
ELENDIL, [ɛ.'lɛn.dil] = e-LEN-dil


Phụ âm X và QU được tính là tổ hợp phụ âm, vì X là [ks], QU là [kw]:

HELCARAXË, [hɛl.ka.'rak.se] = hel-ca-RAK-xê
CIRYAQUEN, [cir.'rʲa.kʷen] = cir-RJ.A-quen


Các âm vòm và vòm hoá TY, NY, LY, RY cũng tính là tổ hợp phụ âm khi cần xem xét trọng âm:

ELENYA, [ɛ.'lɛn.ɲa] = e-LEN-nha


Theo quy tắc trên thì không phải lúc nào các âm tiết có nguyên âm dài đều là trọng âm:

ÚLAIRI, [u:.'laj.ɹi] = uu-LAI-ri
PALANTÍR, [pa.'lan.ti:r] = pa-LAN-tiir


THAM KHẢO